5 Bài học khi thực hiện một chiến dịch Influencer Marketing

Có vô số vấn đề cần nói khi xây dựng một chiến dịch influencer marketing, từ việc chọn mặt gửi vàng, lên timeline đến đo lường hiệu quả và hoa hồng… Bài viết này sẽ đề cập đến những điểm quan trọng nhất mà mọi người cần biết khi bước vào cuộc chơi với influencer.

 Không phải là người tốt nhất, mà là người phù hợp nhất

Các thương hiệu thường có xu hướng tìm kiếm những Influencer có nhiều fans nhất, nổi tiếng nhất mà không quan tâm rằng họ có phù hợp với sản phẩm của mình hay không.

Chẳng hạn như một công ty phần mềm hợp tác với một ngôi sao điện ảnh thì nghe chẳng ăn nhập gì với nhau. Để tránh tình trạng này thì việc tốt nhất bạn có thể làm là nghiên cứu kỹ lưỡng:

  • Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp
  • Những nền tảng social media họ thường xuyên lui tới
  • Những influencer có độ phủ sóng đến họ

Bài học dưới đây của Volvo là minh chứng cho việc “em rất tốt, nhưng chúng mình không hợp nhau”.

Volvo hợp tác với Chriselle Lim, một blogger và YouTuber người Mỹ gốc Hàn, nổi tiếng về những nội dung về lối sống, thời trang và làm mẹ. Và đương nhiên khi Chriselle bắt đầu đăng những bài quảng bá cho sự kiện của một hãng xe hơi thì người hâm mộ của cô bị… bối rối, và sau đó là bình luận phản ứng dữ dội. Rõ ràng sự xuất hiện của Volvo trên kênh của Chriselle là quá thiếu tự nhiên, và không phải là điều mà fans cô ấy mong đợi.

Đến đúng nơi để tìm đúng người

Sau khi đã biết thế nào là một người phù hợp với thương hiệu, việc tiếp theo là đi tìm họ. Tìm ở đâu?

Revu: Nếu bạn e ngại mất thời gian trong việc tìm kiếm influencer, đặc biệt là nhóm nano, micro influencer thì hãy dùng Revu. Nền tảng này giúp thực hiện chiến dịch Influencer với quy mô 10 – 1000 người cùng lúc theo quy trình  5 bước hoàn toàn mới: Đăng tuyển – Ứng tuyển – Chọn lựa – Trải nghiệm – Đăng bài.

Buzzsumo: Với công cụ này, bạn sẽ tìm được những bài viết đang hot nhất trên các mạng xã hội, liên quan đến chủ đề của bạn. Bạn cũng sẽ dễ dàng “lần” ra ai là người đang chia sẻ những nội dung đó mang lại hiệu quả tích cực nhất.

7Saturday: Đây là nền tảng kết nối thương hiệu và influencer tại thị trường Việt Nam. Hiện 7Saturday có hơn 10.000 influencer là người nổi tiếng, chuyên gia, hot Facebooker… đến cả những nhân vật hư cấu, thuộc đủ mọi lĩnh vực.

Hiip: Cũng tương tự như 7Saturday, Hiip là một trong những nền tảng influencer marketing hàng đầu Đông Nam Á, đã từng hợp tác với nhiều nhãn hàng lớn như CGV, Lazada, The Coffee House…

 Đừng quá chi phối influencer

Tâm lý chung của các thương hiệu trong cuộc chơi này là “tôi bỏ tiền ra thì bạn phải làm theo đúng ý của tôi”. Họ muốn kiểm soát thông điệp mà influencer sẽ truyền tải, và cả cách truyền tải.

Hãy nhớ rằng influencer marketing là bạn mượn lời influencer truyền bá sản phẩm, thương hiệu của bạn, chứ không phải bạn chiếm luôn sân khấu của họ mà nói. Sai lầm này sẽ khiến việc truyền tải thông tin trở nên bất thường, gượng gạo, làm giảm độ tin cậy đối với người theo dõi.

Bạn chỉ nên trao đổi, tương tác và xây dựng mối quan hệ lâu dài với influencer, để họ tham gia vào các cuộc họp, thảo luận về chiến dịch, cho họ đóng góp ý kiến và tự quyết định cách quảng bá phù hợp nhất, vì họ hiểu rõ followers của mình.

Đây là một ví dụ.

Nếu bạn là fan của Ramona Singer, ngôi sao phim Real Housewives of New York, bạn sẽ biết cô ấy nổi tiếng với những câu nói “tưng tửng”, hài hước và có phần… ngớ ngẩn. Nhưng nếu một ngày bạn lướt Instagram và bắt gặp Ramona đăng một bài post cực dài, cực chuyên nghiệp, bạn sẽ biết ngay đó là do thương hiệu dàn dựng.

Bài post này còn lộ liễu hơn khi cô này còn cẩu thả copy/paste cả đoạn caption được “mớm” bởi thương hiệu Rodan + Fields, bao gồm luôn cả phần hướng dẫn ở đoạn đầu tiên của người viết.

Có mức thù lao xứng đáng

Nhiều thương hiệu phải trả mức giá cắt cổ để thuê influencer, nhưng cũng có thương hiệu muốn có influencer quảng bá mà chỉ trả rất ít hoặc không có thù lao.

Thù lao quá cao hay quá thấp đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hợp tác của bạn. Hãy trao đổi kỹ lưỡng về vấn đề này trước khi làm việc với nhau. Có những influencer chỉ chấp nhận thù lao bằng tiền, nhưng có người cũng đồng ý nhận sản phẩm miễn phí hoặc trải nghiệm độc quyền dịch vụ. Nhưng nói chung bạn phải tạo đủ động lực để họ quảng bá cho sản phẩm, thương hiệu của bạn một cách có tâm.

Nếu bạn không có ngân sách dồi dào, hãy nghĩ đến phương án trả hoa hồng theo mỗi đơn hàng có được từ influencer. Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo chi phí cho influencer không vượt quá doanh số, và họ sẽ san sẻ cho bạn một phần trách nhiệm.

Đừng quên đo lường hiệu quả chiến dịch

Dưới đây là một vài công cụ bạn có thể sử dụng để đo lường hiệu quả influencer marketing. Nhưng hãy nhớ rằng, có những “lợi ích mềm” khó có thể đo được bằng số liệu, chẳng hạn như tình yêu hay nhận thức về thương hiệu.

Affiliate links: Affiliate links giúp bạn theo dõi lượng đơn hàng phát sinh qua bài đăng trên blog hay mạng xã hội của influencer.

Mã khuyến mãi: Bạn có thể tạo những mã khuyến mãi riêng để influencer quảng bá, chẳng hạn như fans của Chi Pu khi mua sản phẩm và nhập mã CHIPU sẽ được giảm giá 20%. Cách này vừa thúc đẩy gia tăng đơn hàng, vừa giúp bạn biết được đơn hàng đó từ nguồn nào mà ra.

Google Analytics: Bằng cách thiết lập Event goal trong Google Analytics, bạn có thể xác định có bao nhiêu khách hàng đã truy cập vào landing page hoặc cửa hàng trực tuyến từ một chiến dịch influencer.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

G

0941 119900