Sàn bán hàng online giá rẻ xuyên biên giới Temu đã âm thầm tiến vào thị trường Việt. Theo Temu, quá trình giao hàng đến Việt Nam chỉ mất 4-7 ngày và được miễn phí vận chuyển tất cả đơn hàng.
Theo trang The Low Down của Momentum Works – công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở ở Singapore, Temu sắp ra mắt tại Việt Nam và Brunei, nâng tổng số thị trường của nền tảng thương mại điện tử này tại Đông Nam Á lên 5 nước. Với 5 thị trường ở Đông Nam Á, Temu hiện hoạt động tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ (đến ngày 7/10).
Trước đó hơn một năm, nền tảng thương mại điện tử này đã bắt đầu mở rộng sang thị trường đầu tiên tại Đông Nam Á là Philippines và Malaysia. Vào tháng 7 năm nay, Temu cũng bắt đầu giao hàng tại Thái Lan.
Hiện phiên bản ra mắt của website Temu Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, chỉ có tiếng Anh (không có tiếng Việt); chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (không chấp nhận ví điện tử địa phương) và chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển là Ninja Van và Best Express.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trên website của Temu Việt Nam, các sản phẩm đã được hiện thị bằng VND. Việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ mất 4-7 ngày, nhanh hơn nhiều so với 5-20 ngày đến Malaysia và Philippines do lợi thế về khoảng cách địa lý và sự kết nối thông qua đường bộ.
Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử này cũng miễn phí vận chuyển tất cả đơn đặt hàng. Người dùng Việt Nam có thể thanh toán bằng Google Pay, Visa, MasterCard…
Momentum Works còn cho biết đang có những tin đồn chưa được xác nhận và kiểm chứng rằng Temu đang đàm phán để mua lại một trong những nền tảng thương mại điện tử địa phương tại Việt Nam, điều này tạo ra nhiều kỳ vọng về bước tiến mạnh mẽ hơn của nền tảng này trong khu vực.
Trong báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2024, công ty nghiên cứu này đã nhấn mạnh Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GMV (tổng giá trị hàng hóa) theo năm là gần 53%.
“Dữ liệu chúng tôi đã thu thập trong năm nay cho thấy đà tăng trưởng vẫn tiếp tục trong năm nay. Mặc dù thương mại điện tử ở Indonesia không còn tăng trưởng nhanh như ở Việt Nam, nhưng quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á vẫn chiếm gần một nửa thị trường thương mại điện tử của khu vực”, Momentum Works nhận định.
Sàn Thương Mại Điện Tử Temu vào Việt Nam
Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings. Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.
Tuy chỉ mới có mặt trên thị trường khoảng 2 năm nhưng Temu được đánh giá là đối thủ đáng gờm của các sàn thương mại điện tử lớn trên thị trường hiện nay. Vào năm 2022, GMV của Temu chỉ mới 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023, theo ECDB.
Trước Temu, 2 trang thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc là Taobao và 1688 đã có những động thái mới nhằm giúp người bán của quốc gia tỷ dân này tiếp cận thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, 1688.com – nền tảng bán buôn của Trung Quốc thuộc tập đoàn Alibaba chủ yếu phục vụ nội địa đã bất ngờ thêm ngôn ngữ tiếng Việt trên phiên bản iOS và hỗ trợ giao hàng tới địa chỉ người dùng ở Việt Nam. Trước đó, ứng dụng này chỉ có tiếng Trung Quốc.
Tại Việt Nam, ứng dụng Taobao chưa hỗ trợ tiếng Việt, tuy nhiên đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam. Về phí vận chuyển, “ông lớn” bán lẻ trực tuyến áp dụng chính sách vận chuyển miễn phí nội địa và thu phí đối với vận chuyển đến Việt Nam.
Theo Dân Trí