Giám đốc truyền thông Google tại VN: “So với thế hệ… nhiều năm trước, các bạn trẻ Việt hiện nay rất nhạy bén, tự tin”

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông cho Google tại Việt Nam đã có những chia sẻ chân thành, cởi mở về cơ hội cũng như thách thức trong lĩnh vực startup (công ty khởi nghiệp) công nghệ tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, làn sóng chuyển đổi số đã diễn ra tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều doanh nghiệp bất kể quy mô lớn nhỏ, bao gồm cả công ty khởi nghiệp.

Khi Covid-19 bùng phát, dù mang đến những thách thức cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, song đại dịch cũng đã phần nào đóng vai trò như chất xúc tác, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam”, năm 2021 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc kỷ lục mới của lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam trên cả hai phương diện tổng số vốn đầu tư và số thương vụ được rót vốn.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi mới đây, bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông Google châu Á – Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam đã có những chia sẻ chân thành, cởi mở về cơ hội cũng như thách thức trong lĩnh vực startup (công ty khởi nghiệp) công nghệ tại Việt Nam.

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông Google châu Á – Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam

Đây cũng là một trong hai lĩnh vực Google vừa hợp tác với NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhằm mang đến sự hỗ trợ cần thiết trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu được Google hiện thực hóa bằng các khóa học, giải pháp công nghệ, mạng lưới chuyên gia trong hai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ (Google for Startups: Startup Academy) và chương trình phát triển nhân tài số (Google Career Certitifcates).

Chào chị Quỳnh, chị nhìn nhận và đánh giá một cách tổng quát về thực trạng khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam như thế nào?

Đại dịch Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức song cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty khởi nghiệp công nghệ khi đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Trong và sau đại dịch, rất nhiều thói quen tiêu dùng đã thay đổi, trong đó đánh dấu sự “lên ngôi” của thương mại điện tử, các phần mềm, công cụ hỗ trợ học tập – làm việc từ xa, hay thậm chí là tư vấn và khám chữa bệnh từ xa qua ứng dụng công nghệ,…

Ví dụ, thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, những người lớn tuổi thường sẽ không qua tâm đến Zoom, Google Meet,… Thậm chí, các công ty cũng ít khi dùng. Nhưng khi đại dịch bùng phát, công nghệ không chỉ mang đến giải pháp, mà còn thay đổi thói quen, hành vi của người dùng. Có thể kể đến là trường hợp ngay cả khi cuộc sống đã trở lại trạng thái bình thường mới, chúng ta vẫn có thể chọn họp trực tuyến qua ứng dụng thay vì phải đến văn phòng. Hoặc nếu như trước đây, thay vì phải tham gia trực tiếp 10 cuộc họp mỗi tuần thì giờ đây chúng ta có thể ưu tiên cho điều đó cho các cuộc họp quan trọng. Đây chính là thói quen hành vi. Và với thói quen hành vi này, khả năng một người chấp nhận dùng và thử những giải pháp công nghệ mới sẽ cao hơn. Từ đó, đem lại nhiều cơ hội cho các startup công nghệ sau đại dịch.

Khó khăn mà tôi nhận thấy của các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt khi khởi nghiệp thời điểm này không hoàn toàn đến từ đại dịch, mà đến từ tình hình bất ổn về kinh tế vĩ mô toàn cầu hiện nay. Điều này khiến các nhà đầu tư có tâm lý ngần ngại và có thể ảnh hưởng đến việc gọi vốn của công ty khởi nghiệp.

Thời gian gần đây, Google và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã công bố chương trình hỗ trợ phát triển nhân tài số (Google Career Certitifcates) và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp công nghệ (Google for Startups: Startup Academy) tại Việt Nam. Vậy “Google for Startups: Startup Academy” có phải sinh ra nhằm mang đến giải pháp giúp các startup Việt “biến nguy thành cơ”?

Thực tế, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp này đã được Google giới thiệu trước cả khi đại dịch xuất hiện. Hai chương trình được giới thiệu trước đó là Launchpad “Accelerators” (*) ra mắt vào năm 2016 và “Indie Games Accelerators” (**) ra mắt vào năm 2018. Đây là chương trình với quy mô toàn cầu và Google lựa chọn tại mỗi quốc gia từ 1-2 startup có tiềm năng tốt nhất.

Những nhà phát triển được lựa chọn tham gia chương trình sẽ có cơ hội tiếp cận những nguồn tài nguyên tốt nhất từ Google tại thung lũng Silicon, bao gồm con người, mạng lưới, thông tin và công nghệ, trong thời gian tham dự.

Sau thời gian thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp với quy mô toàn cầu, Google nhận thấy quy mô này tuy hay nhưng lại quá rộng và chú trọng nhiều vào các công ty khởi nghiệp đã tương đối có vị trí vững vàng hoặc đã thành công trong vài vòng gọi vốn.

Bởi vì những thị trường sẽ có đặc tính của người dùng khác nhau, cách quản trị cũng có nhiều khác biệt. Và xuyên suốt trong nhiều lần gặp gỡ các startup địa phương chúng tôi cũng nhận được nhiều yêu cầu có một chương trình hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp non trẻ, mới vừa thành lập vì đây cũng là lúc họ rất cần sự chia sẻ về kinh nghiệm lẫn hỗ trợ nguồn lực để đi đúng hướng ngay từ giai đoạn đầu.

“Google for Startups: Startup Academy” là sự tiếp nối của chuỗi chương trình tập trung vào việc hỗ trợ các công ty startup non trẻ của Google được thực hiện trong xuyên suốt 6 năm qua

Tại Việt Nam, Google cũng nhận thấy tiềm năng của bạn trẻ là làm việc, phát triển ứng dụng rất giỏi, tinh thần khởi nghiệp rất tốt. Tuy nhiên, vẫn có những công ty khởi nghiệp chưa khai phá được tiềm năng của mình. Ngoài ý tưởng kinh doanh tốt, những bạn trẻ khi muốn khởi nghiệp lại chẳng biết học cách “startup” ở đâu.

Lắng nghe phản ứng từ thị trường, sau thời gian thực hiện trên quy mô toàn cầu, Google quyết định mang chương trình này đến khu vực châu Á, Thái Bình Dương, rồi tiếp tục đến khu vực Đông Nam Á và Việt Nam với “Google for Startups: Startup Academy” – một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp riêng tại Việt Nam, hướng đến các startup chỉ mới vừa thành lập, chưa gọi vốn hoặc chỉ mới gọi vốn vòng đầu.

Với “Google for Startups: Startup Academy”, chị có thể chia sẻ rõ hơn chương trình này sẽ giúp startup công nghệ Việt trẻ thực hiện hóa mục tiêu như thế nào?

Google sẽ chú trọng đào tạo về kỹ năng mềm cho các bạn quản lý cũng như các bạn sáng lập viên. Giúp họ hiểu hơn về hành vi, xu hướng của người sử dụng ứng dụng. Và chúng tôi cũng đầu tư cho phần đào tạo về phát triển sản phẩm với các nhà quản lý phát triển sản phẩm của Google. Mục tiêu là giúp công ty khởi nghiệp phát triển một cách bền vững, có định hướng phát triển rõ ràng.

Với chương trình hỗ trợ khởi nghiệp “Google Startups: Startup Academy Vietnam”, những doanh nghiệp tham gia có cơ hội tiếp cận khóa đào tạo chuyên sâu và các nhà lãnh đạo trong hệ sinh thái khu vực và trong nước cũng như tạo được vòng kết nối với các mentor dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ trong và ngoài nước.

Năm nhóm chủ đạo mà chương trình tập trung gồm có: Con người (phát triển kỹ năng lãnh đạo), doanh nghiệp (tìm hiểu và học hỏi các hình mẫu, xu hướng mới nhất trong ngành), quản lý sản phẩm (khám phá các chiến lược, chiến thuật phù hợp), công nghệ (cách xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm công nghệ bằng công nghệ, sản phẩm và công cụ của Google), tiếp thị (tăng cường tiếp thị sử dụng các giải pháp của Google).

Trong trường hợp các startup chưa có cơ hội tham gia Startup Academy, Google còn có chương trình hỗ trợ nào cho những startup này không?

Vẫn còn và vẫn còn cơ hội cho các startup chưa được chọn tham gia chương trình “Startup Academy” của Google. Sau “Startup Academy” cho các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam chúng tôi vẫn tiếp tục làm nhiều chương trình đào tạo startup trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục lựa chọn những công ty khởi nghiệp tiêu biểu từ các nước cho chương trình của khu vực. Trong trường hợp các công ty khởi nghiệp chưa có cơ hội tham gia “Startup Academy”, các công ty khởi nghiệp và nhân viên của mình cũng được khuyến khích tham gia chương trình phát triển nhân tài số (Google Career Certitifcates) và “Google Play Academy” để để phát triển thêm các kỹ năng, kiến thức chuyên môn của đội ngũ nhân sự mình. Đây cũng sẽ là nhân tố hỗ trợ cộng thêm để khi nộp hồ sơ cho các chương trình đào tạo startup khác, các nhà đầu tư sẽ nhận thấy nhiều tiềm năng ở doanh nghiệp của bạn hơn.

Sau khi Google for Startups: Startup Academy kết thúc, Google còn dự định gì để tiếp tục đồng hành với các startup Việt trong tương lai?

Giống như tất cả mọi chương trình, sau mỗi dự án, những người thực hiện như Google sẽ cần xem lại dự án này có thành công hay không hoặc dự án đó có gì hạn chế để cần sửa đổi, điều chỉnh lại. Tất nhiên, tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng công ty khởi nghiệp Việt là điều chắc chắn nhưng quan trọng là đồng hành theo hình thức nào để mang lại kết quả tốt nhất.

Còn ở thời điểm hiện tại, bên cạnh hai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ (Google for Startups: Startup Academy) và chương trình phát triển nhân tài số (Google Career Certitifcates), Google còn có chương trình “Google Gaming Growth Lab” dành riêng cho các nhà phát hành game triển vọng nhất đang phát triển tại Việt Nam và “Google Play Academy” – với 100 học miễn phí được thiết kế dựa trên vòng phát triển của ứng dụng, dành cho bất cứ ai muốn học về phát triển ứng dụng và cho bất cứ ai muốn phát hành ứng dụng trên Google Play.

Nếu có lời khuyên cho các bạn trẻ đang có ý định startup ở thời điểm hiện tại, chị muốn gửi gắm điều gì?

Một công ty khởi nghiệp độc lập luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên có thể nhận thấy ngày là vấn đến về tài chính khi duy trì một công ty chưa tạo ra lợi nhuận. Với các công ty khởi nghiệp trẻ đang gặp khó khăn, tôi chỉ xin chia sẻ là con đường chông gai của các công ty khởi nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ đâu.

Tuy nhiên một trong những thuận lợi các bạn cũng nên để ý là hiện nay ngày càng có nhiều quốc gia hiểu được thế mạnh và giá trị của các công ty khởi nghiệp công nghệ và ưu tiên dành nhiều nguồn lực và có chính sách hỗ trợ các startup phát triển và Việt Nam là một trong số các quốc gia đó. Bên cạnh đó nhiều công ty công nghệ cũng quay lại hỗ trợ thế hệ các công ty công nghệ sau với nhiều hình thức khác nhau như xây dựng các chương trình đào tạo startup (như cách Google đã và đang làm trong suốt một thập kỷ qua), tạo cộng đồng mentor và cả rót vốn đầu tư chiến lược.

Một khi các bạn đã có chiến lược phát triển rõ ràng, các bạn có thể nhanh nhạy tận dụng những chương trình hỗ trợ startup từ nhiều nguồn khác nhau và tham gia vòng kết nối với các “mentor” (người cố vấn), những người đi trước và đã thành công để được tư vấn, hướng dẫn và chia sẻ nhiều bài học ‘kinh nghiệm xương máu’ và quan trọng hơn là đưa công ty của mình vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư vì trong các chương trình hỗ trợ startup luôn có phần kết nối với các quỹ đầu tư cũng như các nhà đầu tư độc lập.

Một điểm nữa là khi nghĩ về mô hình startup của mình, các bạn nên nghĩ rộng hơn xem vấn đề mà mô hình kinh doanh của mình đang giải quyết có phải chỉ có ở Việt Nam hay có thể có ở nhiều nước trong khu vực hay trên thế giới.

Vì một khi bạn có thể đưa ra một giải pháp không chỉ cho nhu cầu/vấn đề tại một quốc gia mà tại nhiều quốc gia thì rõ ràng là khả năng mở rộng-scale up mô hình kinh doanh của bạn sẽ rất cao. Điều này rất hấp dẫn với các nhà đầu tư vì một khi quyết định đầu tư vào bất kỳ startup nào họ cũng phải nghĩ đến tiềm năng thị trường đó có thể mở rộng đến mức nào. Lấy ví dụ như các ứng dụng vận chuyển công nghệ linh hoạt (Grab, Gojek, Uber…) hay xem phim trực tuyến tại nhà (Nextflix …) họ đâu chỉ nhìn về nhu cầu của người dùng ở một nước mà nhìn ra được nhu cầu chung của nhiều thị trường và toàn cầu.

Là một trong những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực startup công nghệ, chị kỳ vọng gì về startup của thế hệ trẻ Việt Nam?

So với thế hệ của chị nhiều năm trước, các bạn trẻ Việt hiện nay rất là nhạy bén, tự tin. Mức độ va chạm, cọ xát, tiếp cận thông tin của thế hệ trẻ thời nay so với thời điểm 10-20 năm trước tạo nên nhiều khác biệt.

Cộng hưởng với tiềm năng có sẵn của các bạn trẻ Việt Nam, đó là tỷ lệ học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên, toán vượt trội so với học sinh toàn cầu, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có nhiều công ty khởi nghiệp thành công hơn trong 5-10 năm tới đây. Công ty khởi nghiệp có thể đến từ game – lĩnh vực đang phát triển nóng nhất ở Việt Nam, hoặc bất cứ một công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực nào khác.

Và kỳ vọng này không dựa trên lý thuyết hay hi vọng chung chung mà dựa trên các báo cáo thực tế, trong đó chỉ ra rằng cộng đồng công ty khởi nghiệp tại Việt Nam hiện đã xây dựng được tên tuổi nhất định trên thế giới. Theo báo cáo gần đây nhất về Nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á của Temasek, Bain và Google 2021 thì Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào.

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh (trái), Giám đốc truyền thông cho Google tại Việt Nam, tin rằng Việt Nam sẽ có nhiều startup thành công hơn trong 5-10 năm tới đây

Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ đô la Mỹ, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, sức khỏe và giáo dục.

Đó cũng là lý do Google đầu tư rất nhiều vào hệ sinh thái, cố gắng phát triển một hệ sinh thái lành mạnh, phát triển bền vững để tạo một “dư địa”, một nền tảng để cho các bạn có thể phát triển, tận dụng nguồn lực từ các công ty công nghệ lớn để mở rộng tiềm năng kinh doanh của mình theo đúng phương châm hỗ trợ của chúng tôi ‘local go global’ (PV: từ thị trường trong nước tiến ra toàn thế giới).

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ chân thành và lời khuyên của chị Hà Lâm Tú Quỳnh dành cho các bạn trẻ!

(*) Launchpad Accelerator (Bệ phóng tài năng) là chương trình của Google tập trung vào việc hỗ trợ các công ty startup thuộc nhiều giai đoạn khác nhau đạt được thành công. Những công ty được lựa chọn tham gia chương trình sẽ nhận được khoản tài trợ trị giá 50.000 USD, được sử dụng các sản phẩm của Google và được hỗ trợ về mặt truyền thông.

Bên cạnh đó, họ sẽ cùng làm việc trực tiếp với Google trong sáu tháng tại quốc gia của mình. Đặc biệt là chương trình đào tạo chuyên sâu trong hai tuần tại Mỹ bao gồm các buổi hội thảo về các công cụ và nền tảng của Google để giúp các doanh nghiệp startup phát triển kinh doanh.

Tại đây, các doanh nghiệp được tư vấn riêng cụ thể (1 kèm 1) chuyên sâu bởi các kỹ sư của Google, các nhà quản lý sản phẩm, các chuyên gia đến từ các công ty công nghệ hàng đầu và các công ty đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon.

Năm 2016, hai công ty khởi nghiệp tại Việt Nam là Haravan, Elsa Speak đã được Google lựa chọn trong chương trình Launchpad Accelerator.

(**) Google Indie Games Accelerator là một chương trình của Google nhằm đào tạo những nhà phát triển tiềm năng từ các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Philippines, Singapore, Thái Lan hay Việt Nam để họ có thể xây dựng, mở rộng, phát hành và thương mại thành công các tựa game di động “bom tấn” thế hệ kế tiếp.

Nếu được lựa chọn tham gia chương trình, các nhà phát triển sẽ được tham dự hoàn toàn miễn phí hai trại tập huấn về game tại văn phòng Google Châu Á Thái Bình Dương, Singapore. Tại đây, họ sẽ có cơ hội tiếp cận những nguồn tài nguyên tốt nhất của Google từ mạng lưới, thông tin và công nghệ cho tới con người.

Trong quá trình tham dự, họ sẽ nhận được sự cố vấn riêng của đội ngũ Google cùng nhiều chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, các đội thi còn được tặng gói dịch vụ ‘đám mây’ Google Cloud Platform và có cơ hội tham dự các sự kiện độc quyền trong ngành hoặc do Google tổ chức.

Nguồn CafeF

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

G

0941 119900