TikTok Shop bị tố mập mờ

TikTok biến thành sàn thương mại điện tử

TikTok đang thu hút người dùng nhờ mở rộng sang mô hình thương mại điện tử. Tuy nhiên, một số chủ shop cho rằng cách thức quản lý doanh thu của nền tảng tương đối mập mờ.

Bên cạnh công việc văn phòng toàn thời gian, Cẩm Tú – 25 tuổi, trú tại Hà Nội – còn là một TikToker với gần 10.000 lượt theo dõi. Bình quân mỗi tháng, cô kiếm thêm khoảng 5 triệu đồng nhờ trải nghiệm các loại mỹ phẩm, phụ kiện thời trang.

“Tôi không định dùng TikTok nhằm mục đích kinh doanh. Ý tưởng ban đầu là quay những video ngắn chia sẻ kiến thức từ bản thân về lĩnh vực làm đẹp, thời trang. Sau được bạn bè hướng dẫn tôi mới biết mình có thể kiếm tiền qua đây”, cô cho biết.

Tú hiện là một KOC (Key Opinion Consumer) trên TikTok. Tương tự KOL, vai trò chính của các KOC là thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ để đưa ra nhận xét, đánh giá, từ đó tạo sức ảnh hưởng đến xu hướng mua hàng của người tiêu dùng ở quy mô nhỏ hơn.

TikTok biến thành sàn thương mại điện tử

Nhiều người tìm đến TikTok như kênh kiếm tiền thụ động. Ảnh minh họa: SCMP.

TikTok biến thành sàn thương mại điện tử

TikTok được biết đến là nền tảng mạng xã hội định dạng video có nội dung đơn giản, tính giải trí cao, phù hợp với người dùng có tâm lý tiếp cận thông tin nhanh chóng.

Theo báo cáo của Q&Me vào đầu năm 2022, TikTok là ứng dụng có mức tăng trưởng tốt nhất tại thị trường Việt Nam. So với năm ngoái, tỷ lệ người dùng TikTok tăng từ 49% lên 62% trong khi nhiều ứng dụng mạng xã hội khác như Facebook, YouTube dậm chân tại chỗ, thậm chí có dấu hiệu đi lùi.

Ước tính khoảng 20 triệu người Việt Nam có tài khoản TikTok, tập trung chủ yếu ở thế hệ trẻ. Lượng người dùng ứng dụng hàng ngày trong năm nay cũng tăng mạnh lên 74%.

Giữa tháng 4, nền tảng ra mắt tính năng TikTok Shop, đánh dấu sự hình thành của mảng kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) tại thị trường Việt Nam. Giống các sàn TMĐT phổ biến hiện nay như Shopee, Lazada hay Tiki…, TikTok Shop nay cho phép người dùng mua hàng thông qua các gian hàng của người bán trực tiếp trên ứng dụng.

Để đăng ký TikTok Shop, doanh nghiệp cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, địa chỉ kho hàng, thẻ ngân hàng, số điện thoại di động. Riêng cá nhân cần chuẩn bị CCCD thay cho giấy phép kinh doanh.

Trên thực tế, trước khi tham gia mô hình thương mại điện tử, TikTok đã hoạt động như một kênh thương mại xã hội cung cấp cho người dùng nhiều hình thức kiếm tiền khác nhau. Ngoài TikTok Shop, tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) hoặc nhận hợp đồng quảng cáo từ nhãn hàng, doanh nghiệp là hai nguồn thu nhập phổ biến nhất của các TikToker Việt Nam.

Quy trình hoạt động của TikTok Shop

Quy trình hoạt động của TikTok Shop.

Nhiều hướng kiếm tiền

Với lượng người theo dõi còn khiêm tốn, thu nhập của Cẩm Tú chủ yếu từ hoa hồng tiếp thị liên kết. Mô hình tiếp thị liên kết gồm 3 chủ thể là nhãn hàng, người tiếp thị và khách hàng. Thu nhập của người tiếp thị là phần hoa hồng được nhãn hàng chia sẻ từ doanh thu của đơn hàng bán thành công cho khách hàng.

“Khách hàng có nhu cầu đặt hàng sẽ truy cập vào đường dẫn trên trang cá nhân (Bio Link) và được chuyển sang một website trung gian hiển thị danh sách sản phẩm. Mỗi sản phẩm đều dẫn tiếp đến giao diện của sàn TMĐT. Khách hàng sẽ thực hiện đặt hàng và thanh toán tại đây. Sàn sẽ chia hoa hồng với mỗi đơn hàng thành công”, cô nói thêm.

Tỷ lệ hoa hồng thường phụ thuộc vào sản phẩm bày bán và không cố định. Các sản phẩm vật lý sẽ có hoa hồng thấp hơn sản phẩm số như phần mềm, khóa học. Ở trường hợp của Tú, cô được hưởng 5-7% hoa hồng từ sàn.

Trái lại, phần lớn thu nhập của Bảo Anh – chủ một kênh TikTok chuyên về lĩnh vực ẩm thực có hơn 110.000 lượt theo dõi – đến từ hợp đồng quảng cáo. Mỗi tháng, TikToker này có thể kiếm trên dưới 30 triệu đồng.

“Thời gian đầu xây dựng kênh hiếm khi chúng tôi được nhà hàng mời hợp tác, chi phí thực hiện video đều là tiền túi bỏ ra. Giai đoạn kênh bắt đầu có người biết đến mỗi hợp đồng review nhà hàng thường khoảng 1 triệu đồng. Đến nay hợp đồng quảng cáo của kênh tối thiểu là 3 triệu đồng”, Bảo Anh chia sẻ.

Theo cô, không khó để người dùng kiếm tiền trên TikTok, đặc biệt khi ứng dụng này đang có nhiều chính sách ưu đãi để hút người dùng. Với một số KOL chuyên nghiệp, hợp đồng quảng cáo có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, tính chất công việc này rất phức tạp và không dễ dàng như mọi người lầm tưởng.

“Thời gian lên kịch bản, quay video choán cả một ngày của tôi. Bạn phải sản xuất, đa dạng nội dung liên tục để duy trì lượng người theo dõi và đáp ứng điều kiện trong hợp đồng quảng cáo của nhãn hàng. So với đầu năm số lượng video sản xuất mỗi tháng của kênh đã tăng gấp 3 lần”, cô phàn nàn.

TikToker phải sản xuất video thường xuyên để duy trì doanh thu
TikToker phải sản xuất video thường xuyên để duy trì doanh thu.

Bị chỉ trích

Hiện TikTok chưa hỗ trợ bật kiếm tiền ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa các TikToker không thể kiếm tiền từ lượt xem video.

Đến nay, TikTok Shop vẫn là kênh tạo thu nhập chính thống của nền tảng. Song, dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, kênh TMĐT của TikTok đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều thương nhân do mập mờ về mô hình quản lý.

Theo một thương nhân đề nghị giấu tên, cách thức hoạt động của TikTok Shop không rõ ràng như những sàn TMĐT khác. Đáng lẽ, nền tảng cần minh bạch về các khoản như doanh thu, thuế, chi phí phát sinh (ví dụ như phí phạt quá cân nặng đơn hàng) thay vì gộp chung.

Dịch vụ cho thuê mẫu PG livestream bán hàng

Cách xây dựng thương hiệu thành công cho doanh nghiệp

Nếu đăng ký theo diện hộ kinh doanh cá thể, TikTok không yêu cầu chủ shop cung cấp thông tin mã số thuế.

Bù lại, ngoài việc phải trả 1% phí thanh toán, TikTok sẽ thu thêm 10% từ phí thanh toán trên mỗi đơn hàng bán. Ví dụ, nếu bán một chiếc áo trị giá 100.000 đồng, TikTok sẽ thu của shop tổng cộng 10.100 đồng.

Đối với hình thức Affiliate, nhiệm vụ khấu trừ thuế trực tiếp trên doanh thu từng đơn hàng sẽ được giao cho trung gian thanh toán, thường là các sàn TMĐT.

Tương tự người bán kể trên, Thu Loan – chủ tài khoản bán quần áo sở hữu 20.000 lượt theo dõi – cho rằng quy trình quyết toán doanh thu chuyển về tay shop của TikTok rất mập mờ. Do gộp chung doanh thu, mỗi tháng cửa hàng chị phải dành riêng một ngày tính toán dòng tiền để xác định cụ thể khoản hao hụt do TikTok trừ.

“Ví dụ nếu bị phạt, các sàn khác sẽ gửi báo cáo cho shop, đây thì không. Cái thứ hai là khâu quản lý đơn trên TikTok rất mơ hồ, ví dụ đơn giao khách và đơn hoàn về là 2 mục khác nhau nhưng lại để chung. Mỗi ngày chúng tôi giao nhận hàng trăm đơn, thi thoảng hàng hóa trên TikTok lại thất lạc do gửi đi gửi lại nhiều lần”, chị Loan bức xúc.

Theo Zing

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

G

0941 119900